Tôi đồng tình với báo cáo của Chính phủ và một số ý kiến đại biểu đã phát biểu trước tôi. Năm 2013 mặc dù sự phục hồi tăng trưởng có chậm, nhưng từ sự nỗ lực quyết tâm của nhiều giải pháp ngắn hạn, dài hạn, trung hạn, nền kinh tế vĩ mô nước ta từng bước ổn định hơn. Bên cạnh những khó khăn, bất cập, những chủ trương, quyết sách, kế hoạch chương trình đề ra chưa làm được, nguy cơ tụt hậu còn trực chờ. Những giải pháp mang tính đột phá cũng đạt được những thành tựu nhất định. Chúng ta cần phải trân trọng những kết quả đây là những điểm sáng đáng ghi nhận để không đánh mất niềm tin của nhân dân.
Đồng chí Trương Minh Hoàng phát biểu tại kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khóa XIII
Về những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân trong báo cáo đã nêu và một số ý kiến đã được phân tích tôi xin không nhắc lại. Tôi đồng tình và chỉ nêu nhấn mạnh những việc như sau: Những hạn chế tồn tại ấy chúng ta cần phải xem xét đối với những cán bộ Đảng viên đang được phân công đảm nhiệm chức vụ người đứng đầu ở các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương cần phải nghiêm túc nhìn nhận, những hạn chế tồn tại có phần nào là trách nhiệm chủ quan của mình hay không? trách nhiệm đến đâu cần phải được tự đánh giá nhìn nhận trách nhiệm một cách nghiêm túc, cụ thể để cùng nhau điều chỉnh, bàn và đưa ra những giải pháp tốt nhất để triển khai thực hiện đem lại chuyển biến thực sự nhằm tạo dựng và củng cố niềm tin và sự đồng thuận của nhân dân tham gia cùng hành động. Về phương hướng, giải pháp tới tôi đồng tình cao mục tiêu tổng quát tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát phát triển phục hồi tăng trưởng kinh tế với những nhóm giải pháp mà Chính phủ đã nêu. Song, tôi thấy trên cơ sở những quan điểm chủ trương quyết sách đúng đắn, tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt hơn. Chúng ta không nên vì nôn nóng mà vội vã, không nên quá thận trọng mà dẫn đến giậm chân tại chỗ hay trở thành thụ động, phải tiến hành một cách linh hoạt, hài hòa. Muốn làm được như vậy tôi kiến nghị mấy việc:
Trước hết, nên tổng rà soát hệ thống các nghị quyết, chủ trương, chính sách, các giải pháp đã và đang làm, tìm ra được những giải pháp, cách làm thích hợp nhất để thực hiện đạt mục tiêu đề ra gắn với tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, với chất lượng cuộc sống. Đồng thời trong chuỗi các nhiệm vụ, giải pháp đã và đang triển khai cần đặc biệt quan tâm mạnh hơn nữa đến nguồn nhân lực, chú trọng đến chất lượng và trọng dụng quy tụ phát huy cho được nhân tài của đất nước, chuẩn bị tốt cho nguồn nhân lực tiếp theo.
Thứ hai, tôi cũng rất chia sẻ với những khó khăn về nguồn lực tài chính ở năm 2014 và thời gian còn lại của nhiệm kỳ này nhưng tôi vẫn mong rằng Chính phủ trong điều hành cần đặc biệt quan tâm và quan tâm nhiều hơn nữa, ưu tiên sức đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu cho những vùng, địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, miền núi đặc biệt khó khăn như: đường, trường, trạm, thủy lợi phục vụ thiết thực cho đời sống và phát triển kinh tế ở từng địa phương và liên kết của khu vực.
Trong đó, tỉnh Cà Mau cũng nằm trong tình trạng như vậy. Hiện nay còn huyện Ngọc Hiển, huyện cực Nam của Tổ quốc với 3 bề mặt giáp biển nhưng hiện nay chưa có đường trung tâm đến huyện. Hiện nay, Cà Mau còn khoảng 1/4 số xã ở trong toàn tỉnh chưa hoàn chỉnh hoặc chưa có đường ô tô đến trung tâm ở cấp xã. Nhiều công trình thủy lợi, bệnh viện tuyến huyện đầu tư chưa đồng bộ đang chờ sự bố trí nguồn vốn của trái phiếu Chính phủ, bổ sung trong giai đoạn 2014 - 2016. Đồng thời, đê ngăn mặn triều cường, chống sạt lở gần như hàng năm được đầu tư rất nhỏ giọt. Ở nhiều địa điểm, hàng ngày, hàng giờ luôn tiềm ẩn nguy cơ uy hiếp đến tính mạng và đời sống sinh hoạt, đặc biệt là trong bà con vùng nuôi tôm.
Cuối cùng tôi đề nghị Chính phủ tiến hành đánh giá tác động của các giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho nông nghiệp, nông dân từ nguồn khuyến nông, khuyến ngư, phát triển sản xuất như cung cấp con giống, cây trồng, vật nuôi từ nguồn hỗ trợ tiền vốn, bảo hiểm nông nghiệp. Mua tạm trữ lúa gạo và các nông sản khác để từ đó lựa chọn những giải pháp có tính chất quyết định để tập trung nguồn lực của nhà nước thực hiện bởi các giải pháp này đều kèm thêm chi phí của ngân sách. Nhà nước nên thực hiện trong đánh giá hiệu quả phải thực tế để lựa chọn giải pháp ưu tiên và thiết thực nhất để chúng ta quá trình triển khai thực hiện. Ví dụ, Chính phủ cần phân tích và nói rõ hàng năm chúng ta đã chi hàng ngàn tỷ đồng để tạm trữ lúa gạo thì nông dân được hưởng cái gì ? Hay thực tế chỉ là những thương lái rồi các doanh nghiệp, công ty doanh nghiệp chế biến xuất khẩu được hưởng.
Hay bảo hiểm thí điểm tôm, cá hiện nay, chúng ta cần phải rà soát vướng gì? nông dân được gì? để chúng ta có những chỉ đạo, giải quyết được những vướng mắc từ đó để kịp thời những quyết sách tiếp theo để đạt được kết quả cao hơn.